Thứ Hai, 1 tháng 1, 2001

Cải thiện sức đề kháng cho trẻ

Trẻ em rất dễ bị nhiễm bệnh, khi mắc bệnh nếu không được chăm sóc và theo dõi cẩn thận trẻ sẽ dễ bị bệnh nặng và nguy cơ tử vong rất cao vì hầu hết trẻ em dưới 5 tuổi sức đề kháng còn rất yếu, hệ thống miễn dịch còn non nớt... Tuy nhiên, chúng ta vẫn có những phương cách giúp cải thiện sức đề kháng cho trẻ.

Dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý

Đối với trẻ nhỏ: nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời vì theo khuyến cáo của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp trẻ phòng tránh đáng kể những bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm như viêm phổi, viêm tai, viêm màng não mủ, tiêu chảy cấp... chính nhờ lượng kháng thể dồi dào chỉ có trong sữa mẹ.

Đối với trẻ lớn: nên chọn những loại thực phẩm hợp vệ sinh và giàu dinh dưỡng với số lượng thức ăn phù hợp với từng lứa tuổi trẻ như thịt, cá, trứng, sữa, ya-ua, phô mai, dầu ăn… đặc biệt là nguồn rau xanh đậm tự nhiên và trái cây tươi giàu vitamin: A, C, D,E, B1, B6, B12… nhiều khoáng chất như canxi, sắt, kẽm, magnê, iod sẽ giúp tăng cường hoạt động hệ miễn dịch của cơ thể. Các nhà nghiên cứu Nhi khoa nhận thấy tỉ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm và các biến chứng quan trọng ở trẻ bị suy dinh dưỡng luôn cao gấp 2 lần so với trẻ có cân nặng bình thường.


Cải thiện sức đề kháng cho trẻ 1
Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch đồng nghĩa làm gia tăng hiệu quả hệ thống miễn dịch của trẻ. Ảnh nguồn: internet

Hoạt động thể lực

Đối với những trẻ lớn nên cho trẻ tham gia các trò chơi vận động nhẹ nhàng như: đạp xe đạp, đá banh ngoài trời, cầu tuột… luyện tập thể lực thường xuyên sẽ có những tác động tích cực lên hệ miễn dịch của trẻ, giúp trẻ có một vóc dáng cân đối về sau, trẻ sẽ lanh lợi và thông minh hơn những trẻ ít vận động, đồng thời sự tiếp xúc với môi trường tự nhiên sẽ giúp cơ thể trẻ dần dần có được nguồn kháng thể tự nhiên là nguồn vũ khí quan trọng giúp trẻ đề kháng với bệnh tật.

 Cân bằng thời gian sinh hoạt và nghỉ ngơi

Sức khỏe của trẻ chỉ được đảm bảo khi có sự cân đối giữa vui chơi sinh hoạt hàng ngày và giấc ngủ. Giấc ngủ rất quan trọng đối với trẻ vì khi ngủ, cơ thể trẻ sẽ diễn ra quá trình trao đổi chất, giúp các tế bào phát triển, máu được lưu thông dễ dàng sẽ giúp cho trẻ tăng cường sức khỏe nhanh chóng và cải thiện hệ miễn dịch. Việc tạo thói quen cho trẻ đi ngủ đúng giờ và ngủ đủ thời gian là điều mà cha mẹ cần lưu ý để đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ về thể lực và trí não. Thời gian ngủ của trẻ có thể tham khảo như sau:

- Trẻ sơ sinh nên ngủ từ 15,5 - 18h mỗi ngày.

- 3 - 11 tháng tuổi nên ngủ từ 9 - 12h ban đêm và khoảng 2 - 4h ban ngày.

- 1 - 3 tuổi nên ngủ khoảng 12 - 14h.

- 3 - 5 tuổi nên ngủ từ 12 - 13h.

- 5 - 12 tuổi nên ngủ từ 10 - 11h. 

Thói quen giữ vệ sinh thân thể tốt

Chỉ với một thói quen đơn giản là nhắc trẻ cần rửa tay sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh có thể giúp trẻ phòng tránh vô số những bệnh truyền nhiễm qua đường tay - miệng như bệnh tiêu chảy cấp, bệnh viêm gan siêu vi A, bệnh tay - chân - miệng, nhiễm giun sán, nhiễm ký sinh trùng nguy hiểm đường ruột… Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), “việc rửa tay thường xuyên với xà phòng có thể ngăn chặn được 47% các bệnh liên quan tới đường tiêu hóa và hơn 30% các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp”.

Tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch cho trẻ

The báo cáo của WHO, hàng năm trên toàn thế giới có khoảng 11 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân do mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm chiếm hơn 50% bao gồm các bệnh lý nhiễm khuẩn hô hấp cấp, tiêu chảy, sởi, sốt rét, sốt xuất huyết, nhiễm HIV/AIDS… Rất may cho trẻ em là đến thời điểm hiện tại, hầu hết các loại bệnh lý này đã có sẵn thuốc chủng ngừa (hay còn gọi là vắc-xin) một cách hiệu quả và an toàn. Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch cũng đồng nghĩa với việc làm gia tăng hiệu quả hoạt động hệ thống miễn dịch giúp trẻ phòng tránh các bệnh lý nguy hiểm cũng như ngăn ngừa những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra. 

Ths.BS. ĐINH THẠC


Chủ động ngừa các bệnh “ăn theo” bão lũ

Nước ta nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nên hàng năm đều có mùa mưa bão gây lũ lụt, úng ngập tại nhiều địa phương trên cả nước. Ngoài những tác hại về mặt cơ học trực tiếp như ngập lụt, đổ cây, sập nhà... thì những tác hại gián tiếp như các loại bệnh tật phát sinh sau mưa bão cũng không phải là nhỏ. Vì vậy, việc phòng chống dịch bệnh sau bão lũ là hết sức quan trọng.

Nguy cơ phát sinh bệnh tật sau bão lũ

Sau bão lũ, có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây phát sinh bệnh tật ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đầu tiên phải kể đến là việc môi trường luôn bị ô nhiễm nặng nề sau bão lũ. Sau mưa bão, lũ, nhiều loại thực vật bị chết, bị rụng lá, các loại động vật nhỏ như giun, côn trùng, rắn, chuột… bị chết do ngâm lâu trong nước hoặc do thiếu thức ăn. Những “sản phẩm” này nhanh chóng bị thối rữa trong điều kiện nóng ẩm và mang mầm bệnh như vi khuẩn, virut “lang thang” khắp nơi theo nguồn nước. Hiện tượng úng ngập sau mưa bão mới thật kinh khủng bởi có lẽ không có một tác nhân nào gây ô nhiễm nguồn nước nhanh và rộng lớn như lũ lụt. Ở khu vực đô thị, úng ngập khiến nước tràn khắp nơi, đặc biệt là các hố ga, nhà vệ sinh công cộng, khu vực chứa nước thải sinh hoạt, hóa chất, dầu xăng, nước thải từ các khu công nghiệp và những dòng nước siêu bẩn này mang hàng tỷ tỷ mầm bệnh “trộn” vào các bể nước ăn, bể tắm, nhà cửa, khu vực công cộng… Ở khu vực nông thôn, tình hình ô nhiễm nguồn nước sau bão lũ còn có thêm đóng góp của thuốc trừ sâu diệt cỏ vừa mới được sử dụng từ những cánh đồng, trang trại; nước bẩn ngập lụt từ các khu chăn nuôi gia súc; từ các nghĩa địa có nhiều người chết mới được an táng (thường chỉ ở độ sâu trên dưới 1m). Các mầm bệnh này nhanh chóng nhân lên trong điều kiện dinh dưỡng tốt và thời tiết nóng ẩm của miền nhiệt đới và có thể lây lan trên diện rộng gây những trận dịch lớn. Sau bão lũ, nhiều loại động vật như chuột, mèo hoang, rắn rết… mất nơi cư trú nên tìm vào các khu vực người ở và mang theo vô số mầm bệnh nguy hiểm. Bên cạnh đó, thời tiết thay đổi đột ngột, điều kiện sinh hoạt bị đảo lộn, thiếu nước sạch để dùng trong sinh hoạt hàng ngày, thiếu thức ăn, thuốc men, ăn uống, đại tiểu tiện trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh, quần áo, giường chiếu không được khô ráo… cũng góp phần phát sinh bệnh tật cho cư dân trong các vùng sau bão lũ.

loc nuocCán bộ y tế hướng dẫn cách xử lý nước sinh hoạt cho người dân sau lũ lụt.

Các loại bệnh “ăn theo” bão lũ

Sau bão lũ, có hai nhóm bệnh lớn thường bùng phát trong các khu vực dân cư. Thứ nhất là nhóm bệnh phát sinh trực tiếp từ các nguồn bệnh trong vùng bão lũ. Các bệnh này bao gồm một số bệnh da liễu như nấm kẽ chân, nấm móng; viêm kẽ ngón tay, ngón chân (dân gian gọi là “nước ăn chân”); mẩn ngứa; viêm da… với các biểu hiện như ngứa, sẩn, nổi mụn nước, loét (kẽ chân tay). Các bệnh ngoài da hầu như luôn có sau bão lũ và chiếm một tỷ lệ cao. Tiếp theo là các bệnh đường tiêu hóa hay gặp như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do các loại vi khuẩn khác (E.coli, Campylobacter…) hoặc amíp, giardia. Nhóm các bệnh này thường dễ gây dịch với các triệu chứng cơ bản như đau bụng, mót rặn, tiêu chảy cấp. Viêm gan virut A, E, một số bệnh như đau mắt đỏ, viêm tai giữa nhiễm khuẩn… hoặc bệnh do vi khuẩn Leptospira cũng có thể xảy ra trong các khu vực bị ngập lụt mặc dù tần suất ít gặp hơn. Thứ hai là nhóm bệnh phát sinh do các vector truyền bệnh phát sinh mạnh sau bão lũ. Đây là các bệnh rất dễ lây và bùng phát dịch trên diện rộng. Điển hình trong số này là bệnh sốt xuất huyết, sốt do virut thường và sốt rét. Nguồn nước tù đọng, thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện cho muỗi và virut sinh sôi nảy nở gây bệnh cho người.

Khuyến cáo

Trước khi bão lũ xảy ra, nên có một kế hoạch dự trữ nguồn nước và thực phẩm sạch như xây các bể kín dự trữ nước, phổ biến những quy trình xử lý nước sông suối tạo nước sạch cũng như các biện pháp cất giữ rau củ, quả trong nhiều ngày. Đặc biệt, vấn đề vệ sinh (đại tiểu tiện), xử lý nước thải sinh hoạt trong khi bão lũ phải được dự tính từ trước. Khi bão lũ đang xảy ra, người dân nên tuân thủ đúng các quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm và sinh hoạt hàng ngày. Trong môi trường úng lụt, nên đi ủng để phòng nguy cơ tiếp xúc với nguồn bệnh. Sau bão lũ, tập trung tổng vệ sinh nhà cửa, thau rửa bể, giếng khơi, làm sạch nguồn nước bằng phèn chua hoặc Cloramin… Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Khơi thông cống rãnh, loại bỏ những vũng nước tù đọng vì đây là nơi trú ẩn, sinh hoạt và truyền bệnh của muỗi. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ. Chôn xác súc vật chết, lá cây, thân cây thối rữa, rắc vôi bột. Luôn tuân thủ việc ăn chín, uống sôi, không tắm rửa ở ao hồ, sông ngòi và có thể chủ động tiêm vắc-xin dự phòng một số bệnh nếu có nguy cơ lây nhiễm cao.

TS.BS. Vũ Đức Định

Phát hiện thoát vị bẹn ở trẻ

Thoát vị bẹn ở trẻ em là bệnh lý bẩm sinh, có thể là ngay sau sinh, nhất là ở trẻ đẻ non; cũng có thể là sau vài tháng hoặc vài năm. Có thể xảy ra sau một đợt trẻ ho nhiều hoặc rặn nhiều (táo bón). Thoát vị có thể một bên hoặc cả hai bên, thường gặp ở bên phải nhiều hơn so với bên trái.

Bình thường ở cuối thời kỳ bào thai, ống phúc tinh mạc sẽ tự đóng lại hoặc có thể tự đóng trong những tháng đầu đời của trẻ. Sau 3 tháng tỷ lệ đóng ống tinh phúc mạc sẽ thấp dần cho đến 1 năm tuổi. Trường hợp ống phúc mạc không đóng lại, các cơ quan trong ổ bụng (thường là ruột) ra khỏi ổ bụng, di chuyển vào ống làm thành một khối u phồng lên ở vùng bẹn, gọi là bệnh lý thoát vị bẹn ở bé trai và thoát vị ống nuck ở bé gái.

Biểu hiện của thoát vị bẹn

Biểu hiện thoát bị bẹn là có một khối u ở vùng bẹn - bìu ở bé trai. Kích thước khối u to lên khi trẻ vận động mạnh, ho, khóc, rặn khi đi đại tiện. Khi trẻ nằm yên hay đã ngủ thì khối thoát vị có thể tự chui vào ổ bụng trở lại, lúc đó bé lại như bình thường. Nắn vào vùng ống bẹn, sờ được túi thoát vị. Ở bé gái biểu hiện bằng khối u phồng to ở vùng bẹn hoặc môi lớn. Khi khối thoát vị bị nghẹt, môi lớn sưng đỏ, đau. Trẻ quấy khóc nhiều, toàn bộ bụng có thể đau quặn từng cơn, nhìn có thể thấy các quai ruột nổi lên, kèm theo trẻ có thể buồn nôn hoặc nôn, bụng trướng...

Có thể gây biến chứng nguy hiểm

Thoát vị bẹn, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra hiện tượng: ruột, buồng trứng trong ổ bụng có thể chui vào ống phúc tinh mạc gây nghẹt dẫn đến hoại tử ruột, buồng trứng (ở bé gái); tổn thương tinh hoàn: xoắn tinh hoàn, teo tinh hoàn, nghẹt bó mạch thừng tinh gây hoại tử tinh hoàn (ở bé trai).

Điều trị thế nào?

Khi đã có chẩn đoán là thoát vị bẹn cần được phẫu thuật càng sớm càng tốt. Nếu chưa mổ ngay được thì làm băng ép bên bị thoát vị.

Phương pháp phẫu thuật truyền thống: mổ mở cắt bao thoát vị. Với kỹ thuật mổ, bác sĩ gây mê sẽ giúp trẻ đi vào giấc ngủ và thư giãn cơ bắp. Trẻ sẽ không cảm thấy đau trong khi phẫu thuật. Phẫu thuật là một vết mổ nhỏ nằm theo nếp lằn bụng dưới. Xác định bao thoát vị. Bác sĩ phẫu thuật đẩy ruột hoặc tổ chức bên trong bao thoát vị trở lại vào vị trí thích hợp của nó. Bao thoát vị được phẫu tích lên cao và thắt tại vị trí cao nhất. Thời gian nằm viện điều trị trung bình của trẻ là 2-3 ngày.

Phương pháp mổ nội soi: Gần đây, phẫu thuật nội soi đã được ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh thoát vị bẹn. Phẫu thuật nội soi sử dụng những đường rạch da rất nhỏ để đưa dụng cụ vào trong ổ bụng. Kích thước dụng cụ chỉ 3mm, dành riêng cho trẻ em, vết mổ đạt kết quả thẩm mĩ và giảm đau tối đa sau mổ.

Ưu điểm của phẫu thuật nội soi điều trị bệnh lý thoát vị bẹn là có thể quan sát trực tiếp cả 2 vị trí bẹn để phát hiện và loại trừ sớm nguy cơ trẻ bị thoát vị cả 2 bên. Ở những trẻ dưới 1 tuổi, khả năng thoát vị bẹn cả 2 bên là rất cao, mặc dù 1 bên được phát hiện, bên kia vẫn có khả năng xuất hiện thoát vị bẹn trong tương lai. Nguyên nhân là do vẫn còn tồn tại ống phúc tinh mạc ở cả 2 bên. Nhờ đó, bác sĩ có thể xem xét và phẫu thuật 1 bên hoặc cả 2 bên. Phương pháp mổ nội soi có hiệu quả trong các trường hợp thoát vị bẹn tái phát.

ThS. Lê Thị Hương

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Bỏng da do tụ cầu

Bỏng da do tụ cầu là bệnh nhiễm khuẩn da cấp tính gây nên bởi ngoại độc tố của tụ cầu vàng nhóm 2. Bệnh hay gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, nhất là ở trẻ sơ sinh với các tên gọi khác nhau: Ritter von Ritterschein, Pemphigus trẻ sơ sinh, Hội chứng bỏng rộp da do tụ cầu.

Tụ cầu lây từ mẹ hay người chăm sóc sang con

Mầm bệnh là tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) nhóm 2, với các týp 3A, 3B, 3C, 55 hoặc 71. Các chủng này tiết ra ngoại độc tố có tên là epidermolytic toxin hay etoxin (ET) gây ly giải thượng bì. Các ngoại độc tố này, sau khi được giải phóng ra theo đường máu sẽ đến da. Tại da, các ngoại độc tố sẽ gắn trực tiếp vào desmoglin 1 trên cầu nối gian bào của thượng bì gây đứt cầu nối, phá vỡ lớp hạt, bóc tách thượng bì và hình thành bọng nước. Có 2 hình thái sinh bệnh khu trú và lan tỏa. Hình thái khu trú: tụ cầu vàng xâm nhập qua da qua các vết chầy xước, viêm nhiễm trên da, qua nốt thủy đậu, rồi sản sinh độc tố tại chỗ; kháng thể kháng độc tố do người bệnh sản xuất ra có khả năng khống chế sự lan tràn của độc tố nên bệnh có tính khu trú. Hình thái lan tỏa: độc tố được sản xuất từ nơi xa, có thể bắt đầu từ mũi, mắt, mỏm cụt rốn, vòm họng hoặc từ một vết thương, hay viêm xương tủy, viêm nội mạc.

Bỏng da do tụ cầu 1
Tiêu bản tổn thương bỏng da do tụ cầu.

Bỏng da do tụ cầu 2
Tổn thương bỏng da do tụ cầu ở trẻ nhỏ.

Ở người lớn, rất hiếm khi mắc bệnh, chỉ gặp trên những người suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, ung thư giai đoạn cuối hoặc suy thận, nhưng tỷ lệ tử vong có thể lên đến 60% do nhiễm khuẩn huyết hoặc do bệnh nặng có từ trước.

Bỏng da do tụ cầu gặp ở hầu hết các nước, nhưng thấy nhiều hơn ở các nước đang phát triển. Ở Việt Nam, chưa có số liệu thống kê về tỷ lệ bệnh, nhưng trong những năm gần đây, bệnh gặp tương đối phổ biến tại Viện Da liễu Quốc gia. Ðối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trẻ dưới 5 tuổi. Theo một nghiên cứu cho biết: tỷ lệ mắc bệnh 62% là trẻ dưới 2 tuổi, 98% trẻ dưới 6 tuổi, tỷ lệ tử vong thấp, thường dưới 5%, bệnh có xu hướng thành dịch nhỏ tại các nhà trẻ hoặc phòng nuôi dưỡng trẻ sơ sinh. Nguồn lây: từ bà mẹ bị áp-xe vú do tụ cầu hoặc từ những người nuôi dưỡng trẻ.

Biểu hiện bệnh

 Biểu hiện lâm sàng của bỏng da do tụ cầu rất khác nhau, tùy thể và giai đoạn bệnh. Theo Thomas B Fitzpatrick, có 4 hình thái: chốc bọng nước lớn, chốc bọng nước lan tỏa, hội chứng dạng sốt tinh hồng nhiệt, hội chứng bỏng rộp da toàn thân. Thể khu trú: tổn thương da là ban đỏ dạng tinh hồng nhiệt, mềm tập trung chủ yếu ở các nếp gấp nhưng không tiến triển đến bọng nước. Ở trẻ sơ sinh, tổn thương có thể xuất hiện quanh rốn hoặc vùng hăm kẽ, vùng đáy chậu, tầng sinh môn, còn ở trẻ lớn tổn thương thường thấy vùng da khác. Thể lan tỏa: khởi đầu bệnh nhân thường sốt và phát ban đỏ dạng tinh hồng nhiệt lan tỏa ở mắt, mũi, miệng hoặc các nếp gấp nách, bẹn. Ban lúc đầu mịn, nhìn chưa rõ. Từ 24 - 48 giờ, từ các ban đỏ sẽ hình thành các bọng nước tạo thành các nếp nhăn trên da. Các bọng nước thường rất nông, nhẽo, ranh giới không rõ, dễ tuột ra khi va chạm. Đôi khi các bọng nước liên kết với nhau tạo thành mảng rộng, sau đó trợt ra như bị bỏng để lộ nền da đỏ ẩm ướt, bong vảy mỏng và rất đau. Tổn thương niêm mạc ít gặp. Dấu hiệu Nicolsky dương tính (+) trong  hầu hết các trường hợp bỏng da do tụ cầu lan tỏa, thậm chí khi chưa có bọng nước. Triệu chứng toàn thân: trẻ mệt, bú kém, dễ bị kích thích, sốt. Có thể thấy triệu chứng nhiễm tụ cầu nơi khác như viêm phổi, nhiễm khuẩn  rốn, nhiễm khuẩn huyết, viêm khớp, viêm cơ...

Xét nghiệm: Bạch cầu có thể tăng, tuy nhiên đa số các trường hợp bình thường, máu lắng tăng; nuôi cấy dịch kết mạc, mũi họng, ổ mủ trên da tìm thấy vi khuẩn. Tuy nhiên, nếu nuôi cấy dịch bọng nước thì thường cho kết quả âm tính do nhiễm tụ cầu ở nơi khác. Mô bệnh học: có khe tách ở thượng bì phía dưới và trong lớp hạt. Các khe tách có chứa dịch và tế bào ly gai. Các phần còn lại của thượng bì không có thay đổi đặc hiệu và không thấy xâm nhiễm tế bào viêm trong trung bì.

Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh cải thiện nhanh chóng trong vòng 5 - 7 ngày, các tổn thương da khô lại, bong vảy da và khỏi không để lại sẹo. Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị mất nước, rối loạn điện  giải. Ở trẻ nhỏ, có thể tử vong do mất lớp da bảo vệ, hạ nhiệt độ, mất nước, nhiễm khuẩn huyết hay nhiễm khuẩn lan tỏa.

Điều trị và phòng bệnh

Bệnh nhân nên được chăm sóc tại bệnh viện rửa các tổn thương bằng nước muối 9%o để loại bỏ các tổ chức đã bị hoại tử, bong vảy. Có thể bôi các thuốc sát khuẩn như milian, mỡ kháng sinh mupirocin, bacitracin, mỡ silverin. Bệnh nhân cần được dùng kháng sinh càng sớm càng tốt với các loại thuốc có tác dụng diệt tụ cầu mạnh hoặc tốt nhất là theo kháng sinh đồ. Tuyệt đối không dùng glucocorticoid để điều trị. Đối với các ca bệnh nặng cần bồi phụ nước, điện giải cho bệnh nhân.

Phòng bệnh bằng các biện pháp: nếu mẹ bị áp-xe vú do tụ cầu thì không nên cho con bú cho đến khi điều trị khỏi hẳn áp-xe này. Đối với những người nuôi dưỡng trẻ, nếu bị viêm da, viêm họng... cần điều trị khỏi hẳn mới tiếp tục chăm sóc trẻ. Trong nhà trẻ, phòng nuôi dưỡng trẻ sơ sinh, khi có trẻ bị bệnh cần cách ly và không cho trẻ khỏe mạnh tiếp xúc với bệnh nhi. Điều trị tích cực các bệnh viêm da, viêm tai mũi họng... cho trẻ. 

ThS. Phạm Thanh Xuân

Dép tông có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe

Nguy hại sức khỏe khi đi dép tông

Loại dép thời trang này khá nguy hiểm cho người sử dụng vì nó không chắc chân. Khi bạn đang chạy hoặc đi bộ nhanh, bạn dễ bị trượt chân hoặc vấp ngã. Các bác sĩ cho biết họ gặp rất nhiều trường hợp bị bong gân mắt cá chân hoặc chấn thương do vấp ngã hoặc trượt chân khi đi dép tông.

Mặt khác, loại dép này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ với xương và cơ thể. Vì chúng nâng đỡ kém, nên dép tông gây tổn hại cho mắt cá chân, bàn chân và cẳng chân, tất cả những điều này sẽ ảnh hưởng tới lưng. Ở mức độ thấp nhất, bạn có thể bị đau nhẹ sau khi đi vài giờ. Bạn có thể cũng bị các tổn thương nghiêm trọng hơn, như đau gót chân, viêm gân, rạn xương do căng thẳng và hội chứng ống cổ chân. Theo Everyday Health, tình trạng viêm phổ biến do đi dép tông là viêm cân gan chân, một tình trạng viêm của mô ở dưới bàn chân. Dép tông có thể kéo dây chằng dưới lòng bàn chân, điều này xảy ra khi bạn không có sự nâng đỡ và đi bộ trên bề mặt cứng cả ngày (như vỉa hè, sàn nhà).

Những lý do khác để không đi dép tông

Bước chậm hơn

Dép tông không ôm chặt vào chân khi bước nên chúng ta phải bước ngắn hơn để giữ chúng trên chân. Điều này không chỉ khiến bạn đi chậm hơn mà còn khiến các ngón chân phải ấn xuống, về lâu dài có thể khiến ngón chân có hình cái búa. Bước ngắn hơn bình thường cũng khiến hông và đầu gối đau.

Gây mụn nước

Dép tông được cho là nguyên ngân gây nên mụn nước giữa các ngón chân. Không chỉ gây đau đớn khi đi bộ mà chúng cũng dễ gây phồng chân. Bạn có thể bị vết thương hở khi đi dép tông.

Sai tư thế

Một trong những công dụng chính của giầy dép là hỗ trợ tư thế của chúng ta. Bất cứ loại dày dép nào dạng như dép tông đều có thể khiến tư thế của chúng ta bị tổn hại.

Đi dép tông có thể là một thói quen khó bỏ. Bạn nên đi giày kín càng nhiều càng tốt. Chúng sẽ giúp bạn đi chắc chân hơn, vì vậy sẽ không bị ngã hoặc tổn thương.

Chọn dép tông

Nếu bạn vẫn muốn sử dụng dép tông, bạn cần lưu ý khi lựa chọn loại dép này. Trước tiên, bạn nên mua loại dép tông nâng đỡ chân.

Nên chọn những đôi dép với phần đế dày và dốc hơn. Phần quai phải được làm bằng chất liệu da tốt, mềm. Dép đi phải vừa với chân, tránh tình trạng ngón chân hoặc gót chân thừa ra ngoài.

BS Nhật Nguyệt

(Theo LH)

Người bị viêm bàng quang nên kiêng ăn những thực phẩm nào?

Triệu chứng của bệnh viêm bàng quang

Viêm bàng quang là viêm bọng đái chứa nước tiểu. Nó có thể được gây ra bởi nhiễm trùng, các chất kích thích, thuốc hoặc bệnh tật. Một số trường hợp viêm bàng quang sẽ trở thành mãn tính. Bệnh được đặc trưng bởi một cảm giác áp lực và đau ở bụng dưới, tiểu buốt và tiểu rắt.

Một số thực phẩm mà bạn ăn có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh viêm bàng quang. Các loại thực phẩm nên tránh khi bị viêm bàng quang.

viem bang quang, thuc pham nen kieng khi bi viem bang quang 1

Một số loại rau xanh và trái cây nên kiêng

Cam, chanh, bưởi, quýt, dưa đỏ, mận, trái vả, dứa, đu đủ, nam việt quất, dâu tây, quả việt quất, đào, anh đào và nho có thể gây kích thích bàng quang bị viêm.

Một số loại rau và gia vị như cà chua, nước sốt cà chua, hạt tiêu, các món muối chua như dưa cà muối, dưa chuột muối, cải bắp muối là thực phẩm người viêm bàng quang hạn chế ăn.

viem bang quang, thuc pham nen kieng khi bi viem bang quang 2

Protein và sữa

Xúc xích, giăm bông, xúc xích hun khói, đậu phụ, và cá hun khói có thể gây đau và kích thích bàng quang. Sữa chua, kem chua, pho mát, phô mai xanh và kem có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm bàng quang.

Ngũ cốc, đậu và hạt

Thực phẩm có kích thích bàng quang bao gồm đậu nành, bánh bao chay đậu nành, đậu đen, đậu lima, quả hồ trăn, đậu phộng, quả hồ đào, quả óc chó, hạt phỉ, bột đậu nành, bánh mì và ngũ cốc có chất bảo quản.

viem bang quang, thuc pham nen kieng khi bi viem bang quang 3- thit hun khoi

Đồ ăn nhẹ và thực phẩm chế biến

Thực phẩm chế biến nói chung có chứa chất bảo quản và các gia vị có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm bàng quang. Bạn có thể cần phải tránh các loại súp đóng hộp, sô cô la, bánh trái cây, kẹo quế, món cơm đóng hộp, các món mì ống đóng hộp, khoai tây chiên.

Các loại thảo mộc và gia vị

Mù tạt, nước sốt, trộn salad, chất làm ngọt nhân tạo khác, nước sốt cà chua, bột ngọt, đinh hương, ớt bột, giấm, chất làm mềm thịt, nước sốt đậu nành, chất bảo quản có thể gây kích ứng bàng quang bị viêm.

Đồ uống

Đồ uống có thể gây kích ứng bàng quang bao gồm nước có hương vị, cà phê (chứa caffein và không chứa caffein), trà, trà xanh, trà thảo dược, nước ép cà chua, nước cam, nước ép bưởi, chanh, nước ép nam việt quất, nước uống thể thao, nước tăng lực, sữa đậu nành và các loại đồ uống có cồn.

Nếu bạn phát hiện ra rằng một loại thực phẩm đặc biệt làm xấu đi các triệu chứng của bạn, hãy ngưng dùng và thử một thực phẩm thương hiệu khác, một thực phẩm dưới phiên bản hữu cơ hoặc một phương pháp nấu ăn khác. Nhưng luôn nhớ rằng, nếu các triệu chứng viêm bàng quang ngày càng nặng thêm, kèm sốt ớn lạnh, sốt rét run, tiểu đục hoặc tiểu ra máu, gặp ngay bác sĩ để được khám và chẩn đoán điều trị kịp thời.

TS.BS. Lê Thanh Hải

(tham khảo Live Strong)

Vì sao giun móc gây thiếu máu?

Tôi 31 tuổi, khoảng hơn một năm nay người gầy, da nhợt nhạt. Đi khám kết quả ghi là thiếu máu nghi do giun móc. Vì sao giun móc gây thiếu máu? Cách phòng và điều trị?   

Trần Thị Tin (tin783@gmail.com)

Từ người có bệnh giun móc, trứng giun theo phân ra đất, gặp điều kiện thuận lợi nở thành ấu trùng, sống ở đất nhiều tháng. Khi tiếp xúc với da người, ấu trùng chui qua da, gây ra những nốt mẩn đỏ, ngứa trong khoảng 3 - 4 ngày rồi tự hết. Ấu trùng vào máu và bạch huyết rồi lên phổi, chui vào phế nang, di chuyển lên phế quản và họng rồi được nuốt vào ruột non. Trong ruột, giun móc sống ở tá tràng, ruột non, gây nên những cơn đau bụng ở vùng trên rốn, đầy bụng, buồn nôn. Khi hút máu ở thành ruột, giun móc tiết ra độc tố ức chế cơ quan tạo máu, gây thiếu máu kéo dài dẫn đến thiếu sắt, thiếu máu nhược sắc. Mặt khác khi hút máu, giun móc gây ra những vết loét chảy máu rỉ rả, nên người bệnh bị mất máu nhiều hơn lượng máu bị giun hút. Bệnh nhân bị giảm protein máu kèm theo triệu chứng da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, mạch nhanh, chóng mặt,  khó thở, phù nhẹ ở mặt và chi.

Điều trị: Phải diệt giun móc kết hợp với chữa thiếu máu. Bạn cần thực hiện đúng chỉ định điều trị của bác sĩ đã khám bệnh cho bạn. Phòng bệnh: Xử lý phân hợp vệ sinh. Diệt ấu trùng giun móc bằng cách rắc vôi bột ở những nơi ô nhiễm nặng. Tránh ấu trùng nhiễm vào người bằng cách mang xà cạp, đi ủng, đeo găng tay cao su khi lao động, khi tiếp xúc với đất, cát.                  

BS. Nguyễn Bằng Việt

Cải thiện sức đề kháng cho trẻ

Trẻ em rất dễ bị nhiễm bệnh, khi mắc bệnh nếu không được chăm sóc và theo dõi cẩn thận trẻ sẽ dễ bị bệnh nặng và nguy cơ tử vong rất cao vì ...